Bạn đang tìm kiếm một mô hình nhượng quyền để đầu tư. Bạn đã tìm hiểu và liên hệ với chuyên viên tư vấn nhượng quyền của một số hệ thống. Kết quả bạn có một số lựa chọn sau đây:
1. Mua nhượng quyền trực tiếp từ Franchisor
2. Mua nhượng quyền từ Master Franchisee
Câu hỏi đặt ra là: Có sự khác biệt nào giữa việc mua nhượng quyền từ Master Franchisee so với Franchisor? Những khác biệt đó có ảnh hưởng đến thành công của tôi không?
Câu trả lời là CÓ
Về cơ bản, nhượng quyền trực tiếp từ Franchisor là mô hình thuần túy nhất của nhượng quyền kinh doanh. Với mô hình này, Franchisor cho phép Franchisee mở đơn vị nhượng quyền tại một địa điểm, trong một khu vực địa lý cụ thể.
Trong khi đó, nhượng quyền thương mại với Master Franchisee là mô hình phổ biến đối với hệ thống nhượng quyền phát triển xuyên biên giới, ở đó Master Franchisee được Franchisor trao quyền cấp lại quyền (sub-franchising) cho các bên nhận quyền khác (Franchisee) trong vùng lãnh thổ được xác định. Nói cách khác Master Franchisee sẽ chịu trách nhiệm phát triển hệ thống kinh doanh trong phạm vi lãnh thổ này bằng cách nhượng quyền lại và cung cấp sự hỗ trợ bao gồm: đào tạo, hướng dẫn vận hành, triển khai hoạt động marketing…mà một hệ thống nhượng quyền cần có.
Tất nhiên, dù là Franchisor hoặc là Master Franchisee trực tiếp điều hành hệ thống nhượng quyền trong khu vực của bạn, chắc chắn họ đều dành một sự nỗ lực không hề nhỏ để giúp đơn vị nhượng quyền đạt được thành công. Tuy nhiên, thực tế vẫn có tồn tại một số điểm yếu của Master Franchisee so với Franchisor bạn cần phải biết trước khi quyết định đặt bút ký vào thỏa thuận nhượng quyền với Master Franchisee:
1. Có rất ít sự tham gia hỗ trợ trực tiếp từ phía Franchisor.
2. Thông tin, quy định và chính sách của hệ thống nhượng quyền được truyền đạt tới bạn phần lớn thông qua Master Franchisee. Do đó, sẽ phát sinh rủi ro sự truyền đạt thông tin không chính xác hoặc chính sách quản lý hệ thống được hoạch định không phù hợp từ Master Franchisee.
3. Master Franchisee có thể mất kiểm soát hoặc lạm dụng việc kiểm soát dẫn đến mất cân bằng trong hệ thống.
4. Đôi khi, đóng vai trò Franchisor sẽ không hề dễ dàng. Ngay sau khóa đào tạo cho Master Franchisee, Master Franchisee sẽ phải bắt đầu đóng vai trò của Franchisor tại khu vực của mình. Bạn có thể nghe Franchisor trấn an thế này: Chúng tôi đảm bảo sự kiểm chứng, thành công và đồng nhất trong toàn hệ thống nhượng quyền. Vì vậy, làm việc với Master Franchisee cũng không khác gì làm việc với chúng tôi. SỰ THẬT là, một số khía cạnh của mô hình kinh doanh có thể được quy định và áp dụng giống nhau ở mọi nơi, cho bất kỳ ai. Tuy nhiên, một số khía cạnh khác như quản lý, trợ giúp, tư vấn, cố vấn …. thì rất khó đo lường và phụ thuộc khá nhiều vào cá nhân người thực hiện.
5. Master Franchisee có thể sẽ quan tâm đến chốt sale đối tác nhận quyền (franchisee) hơn so với hỗ trợ và duy trì hệ thống.
Giả sử một hệ thống nhượng quyền nào đó đã xây được thương hiệu mạnh, chất lượng dịch vụ / sản phẩm tốt, Master Franchisee cam kết quan hệ đối tác lâu dài với Franchisor. Nhưng đâu đó, Master Franchisee có thể vẫn ưu tiên nhiều hơn vào việc có được kết quả bán hàng để tối đa hóa lợi tức đầu tư của họ – chi phí mua quyền master franchise. Do đó, nếu bạn đang tìm mua nhượng quyền trực tiếp từ Franchisor hoặc từ Master Franchisee, bạn nên hiểu rằng yếu tố cần thiết để tạo ra kết quả bán hàng tốt khá khác biệt với các yếu tố cần thiết để hỗ trợ nhượng quyền tốt.
Trước khi tham gia bất kỳ thỏa thuận nhượng quyền thương mại nào với Master Franchise, bạn cần phải:
1. Nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả các tài liệu được cung cấp bởi Master Franchisee (hoặc từ Franchisor): FDD (Franchise Disclosure Doccument)/UFOC (Uniform Franchise Offering Circular), Hợp đồng và tất cả các thông tin khác và yêu cầu giải đáp nếu có. Bạn càng làm rõ tất cả thông tin ngay từ đầu, thì việc triển khai sẽ càng thuận lợi, nhịp nhàng về sau.
2. Đến thăm các đơn vị nhượng quyền: Đây là cách tốt nhất để khảo sát mức độ thành công của mô hình kinh doanh trên thực tiễn triển khai của những người đi trước. Bạn nên nói chuyện với không chỉ bên nhận quyền hiện tại mà cả những người được coi là thất bại trong việc thực hiện đơn vị nhượng quyền của mình để có toàn bộ bức tranh tổng thể.
3. Hãy xem đội ngũ nhân viên phụ trách hỗ trợ và quản lý hệ thống. Hãy ghi nhớ điều này: Có thể, một trong những lý do khiến bạn quyết định mua đơn vị nhượng quyền là sự tin tưởng vào ML / Franchisor / Franchise Developer … Tuy nhiên, một khi bạn chính thức tham gia hệ thống nhượng quyền, hoạt động hàng ngày của bạn sẽ được hướng dẫn và hỗ trợ bởi nhân viên của họ. Do đó, cung cách và năng lực làm việc của nhân viên cần phải được tính đến.
4. Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp. Thời hạn một hợp đồng nhượng quyền thường kéo dài từ 5 đến 10 năm. Trên con đường dài đó, sẽ có hạnh phúc và khổ đau, có những đồng thuận và xung đột; do đó yêu cầu trợ giúp pháp lý, tài chính, quản trị hệ thống chuyên nghiệp là hết sức cần thiết để đảm bảo sự cân bằng, hạn chế rủi ro và xung đột.
5. Tự mình thẩm định Câu chuyện lãi lỗ. Thông thường, bài toán tài chính doanh thu & chi phí được hướng dẫn, thậm chí được Master Franchisee làm luôn cho bạn. Tuy nhiên, chính bạn nên là người xem xét và thẩm định nó thật kỹ lưỡng. Bởi vì con số ấy do chính bạn làm ra chứ không phải Master Franchisee.
Thành công trong kinh doanh nhượng quyền không chỉ nằm ở việc mua một đơn nhượng quyền từ một hệ thống đã thành công, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn hiểu họ bao nhiêu và bạn có khả năng hòa hợp với nó như thế nào.